Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

SỰ THẬT VỀ QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM




Thời gian qua, các thế lực thù địch cho rằng“ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, Đảng Cộng sản “vô thần” chủ trương xóa bỏ tôn giáo. Gần đây, khi một số đối tượng lợi dụng tự do tôn giáo để hoạt động chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật thì họ tìm cách xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, “bóp nghẹt tôn giáo”, “bắt giam các nhà tu hành vì lý do tôn giáo”...
Đây là những luận điệu nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo, chia rẽ người có đạo và người không có đạo. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều này được minh chứng ngay trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và trong thực tế.
Trong điều 70 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Tiếp đó trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nghị định số 22/NĐ-CP, ngày 11-5-2005 của Chính phủ, gần đây là Nghị định 92/2012/NĐ-CP, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 8-11-2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta  về tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, năm 2006 cả nước mới có 6 tôn giáo và 16 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động, thì đến nay đã có 12 tôn giáo và 37 tổ chức tôn giáo với trên 20 triệu tín đồ, chiếm 25% dân số cả nước. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở Việt Nam là tốt đẹp và luận điệu vu cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo” là hoàn toàn bịa đặt. Hiện nay, cả nước có gần 100.000 chức sắc tôn giáo, trên 22.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều công trình được trùng tu, xây mới. Tính riêng hai năm 2010 và 2011 đã có gần 500 công trình tôn giáo được xây mới, hơn 600 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Hoạt động báo chí, in ấn, xuất bản trong lĩnh vực tôn giáo được đẩy mạnh, riêng Nhà xuất bản Tôn giáo đến nay đã xuất bản hơn 4.000 đầu sách với số lượng hàng chục triệu bản. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo và các trường cao đẳng, trung cấp của các tôn giáo đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương.. [1]Sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều sự kiện, hoạt động tôn giáo sôi động góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những bằng chứng này, chẳng phải đã và đang thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở Việt Nam sao? Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân chính là cơ sở để đoàn kết các lực lượng quần chúng có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng. Qua đó để tiến hành vận động quần chúng các tôn giáo và hàng ngũ giáo sĩ, chức sắc tôn giáo tham gia vào các hoạt động tiến bộ, yêu nước do Đảng lãnh đạo, tiến hành các hoạt hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thế giới quan duy vật khoa học quần chúng… Đồng thời đây là cơ sở để đấu tranh chống lại các luận điệu vu cáo, các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước XHCN./.


[1] Đỗ Phú Thọ: Không thể xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, www.qdnd.vn , QĐND,14/102012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét