Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

TƯ TƯỞNG “DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN” CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG



Xuân An
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã sản sinh nhiều tên tuổi vĩ đại, vừa là anh hùng dân tộc vừa là nhà tư tưởng lớn. Trong đó, Hồ Chí Minh ghi dấu ấn lịch sử đậm nét nhất, mang tầm vóc thời đại, được loài người tiến bộ ca ngợi và thừa nhận. Dù không để lại các công trình nghiên cứu chuyên khảo về các lĩnh vực nhưng qua những bài viết, bài nói Người để lại đã chứa đựng những tư tưởng lớn mà giá trị của nó vượt thời đại. Tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một ví dụ.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mang tính triết lý sâu sắc, đó là phải lấy cái bất biến - cái không thay đổi, để ứng phó với cái vạn biến – cái thay đổi nhưng không được rời xa cái bất biến. Hồ Chí Minh tiếp thu phép biện chứng macxit, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của tư duy biện chứng phương Đông. Cái bất biến ở đây được xác định là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên để đạt được cái bất biến là cả một quá trình đấu tranh trong muôn vàn cái vạn biến, đòi hỏi cần có sách lược đúng đắn và hiệu quả trong mỗi bước đi, mỗi giai đoạn để chuyển dần từ những thay đổi mang tính tiến hóa đến những thay đổi mang tính cách mạng. Người thường bắt đầu từ cái bất biến rồi mới đi tới cái vạn biến.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh yếu tố quan trọng nhất làm nên sức mạnh dân tộc là truyền thống yêu nước, nồng nàm, khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do và ý chí quật cường chống ngoại xâm của nhân dân ta. Từ khi có Đảng, có Bác Hồ, lòng yêu nước lại càng được nhân lên gấp bội lần, tạo nên ý chí quật cường, không khuất phục trước bất kỳ thực dân, đế quốc, kẻ thù nào dám xâm phạm bờ cõi nước ta. Nhằm mục tiêu “đưa nước nhà đến tự do, độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn”, chúng ta đã sử dụng nhiều sách lược ngoại giao phù hợp như “hòa để tiễn”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết” một cách mềm dẻo, linh hoạt và thu được những kết quả thắng lợi vẻ vang.
Trong thời đại ngày nay, khi mà hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên, lãnh thổ… gia tăng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động nhưng lại tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành, ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển đảo, tài nguyên thì hơn lúc nào hết, chúng ta cần tỉnh táo, thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và kiên định phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Vấn đề biển Đông thời gian qua luôn là đề tài nóng bỏng, phức tạp, Trung Quốc thường xuyên đưa ra các hành động gây hấn, thông tin về việc diễn tập quân sự tại Biển Đông, bổ sung tàu lớn cho lực lượng Hải Giám, Ngư chính hoạt động tại Biển Đông, đưa ra những lời vu cáo, xuyên tạc. Trước một quốc gia có tiềm lực mạnh nhưng hay thích bắt nạt các nước khác như Trung Quốc, chúng ta cần phải đưa ra phương án nào để giải quyết. Thực tế đã chứng minh, sử dụng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay.
Cái bất biến là lợi ích quốc gia, dân tộc – trong đó độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là cốt yếu.
Cái vạn biến là linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh. Chúng ta phải đấu tranh bằng nhiều cách: con đường ngoại giao và tận dụng mọi cái có thể tận dụng được.
Tuyệt đối không để không kẻ nào được phép bán rẻ chủ quyền quốc gia, và tuyệt đối không được để “ứng vạn biến” thay thế cho những điều thuộc về “dĩ bất biến”.
Trước các động thái của Trung Quốc, ta phải phân biệt rõ ràng và tùy theo tình hình mà đưa ra các phương án giải quyết. Xử lý vận đề tranh chấp lãnh thổ phải theo hướng phấn đấu cho hòa bình và ổn định, đối với các tranh chấp phải kiên trì biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế để đối thoại, tìm ra giải pháp. Luật pháp quốc tế là thành quả trí tuệ của xã hội văn minh hiện đại, mà tất cả các nước trên thế giới đều phải tôn trọng và tuân thủ một cách có trách nhiệm. Khi luật pháp quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc, nguy cơ xung đột sẽ giảm, nền hòa bình vững chắc sẽ được bảo đảm hơn.
Nếu việc tập trận diễn ra trong phạm vi lãnh hải của họ và không ảnh hưởng gì đến các nước khác thì đó là quyền của họ. Theo Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) thì Trung Quốc thực hiện công tác quản lý nhà nước trên biển bằng các tàu hải giám, ngư chính trong khu vực cho phép là bình thường. Nhưng nếu tàu của Trung Quốc lao vào cắt cáp tàu thăm dò dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì chúng ta kiên quyết phản đối. Phản đối cũng phải tùy tình hình mà theo nhiều hình thức, cấp độ khác nhau: thứ nhất, triệu đại sứ, gửi công hàm phản đối. Nếu nghiêm trọng hơn, ngoại trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước có thể gửi công hàm phản đối Trung Quốc. Trong đó, chúng ta phải ghi rõ sự việc vi phạm nghiêm trọng đó xảy ra tại khu vực nào, tọa độ nào, tham chiếu luật pháp quốc tế là vi phạm điểm nào. Từ đó phải công bố rộng rãi cho nhân dân cả nước và trên toàn thế giới được biết./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét