Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Bản đồ của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam

Bản đồ của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam

(Dân trí) - Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12” mà Trung Quốc phát hành và công bố là hoàn toàn vô giá trị - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị
 
Ngày 24/4/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức phát hành Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12”, trong đó có những nội dung vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
           
Việc Trung Quốc lưu hành bản đồ và công bố quy hoạch nêu trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông. Bản đồ và quy hoạch trên là hoàn toàn vô giá trị”.

THƯ GỬI NGUYỄN TRỌNG VĨNH



THƯ GỬI NGUYỄN TRỌNG VĨNH 

Trần Ái Quốc

Khi đọc bài viết của Nguyễn Trọng Vĩnh trên blog Bùi Văn Bồng, bài viết mang tên : “Thấy gì khi đọc kỹ Bản dự thảo Hiến Pháp sửa đổi. Những tưởng bài viết đóng góp được gì cho đất nước Việt Nam, đóng góp vào sức dân trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, thì bài viết chỉ nhằm mục đích bôi nhọ, xuyên tạc những vấn đề liên quan đến quyền con người trong bản dự thảo Hiến Pháp sửa đổi.

Trong bài viết của Nguyễn Trọng Vĩnh có ghi: “ Điều 2 Chương I ghi “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Nhưng nhân dân không được làm và phúc quyết Hiến pháp là văn bản luật cơ bản và cao nhất liên quan đến quyền lợi của dân và chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền. Điều 74, 75 chương V ghi “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến… làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp…” là phủ định quyền được làm và phúc quyết của dân”

Kính thưa ông Vĩnh, khi viết những vấn đề này ông phải tìm hiểu kỹ hơn về pháp luật Việt Nam, ông quên mất rằng nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, điều đó được thể hiện cụ thể thông quan quyền phổ thông đầu phiếu trong mỗi nhiệm kỳ bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tại Điều 6 Hiến Pháp 1992 ghi rõ: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Tiếp đó, Tại Điều 7 quy định: “việc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.  Từ những lá phiếu của người dân được bầu một cách dân chủ, công khai mà các cơ quan Đảng, cơ quan quyền lực Nhà nước được hình thành. Đó là những đại biểu trung thành nhất, đại diện cho quyền lợi của nhân dân, quyền lực nhân dân được đại diện bởi Quốc Hội, và khi thực hiện quyền lập hiến thì Quốc hội thực thi quyền lực đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Như vậy làm gì có chuyện phủ định quyền được làm và phúc quyết của nhân dân. Ông nói vậy là chưa chính xác ông Vĩnh nhé.

Tiếp, ông nói Đảng Cộng sản Việt Nam làm trái tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện khi trích dẫn Điều 21 và Điều 70 của Hiến Pháp năm 1946. Ông nên nhớ, theo quan điểm Mác Lênin khi nhận xét bất cứ một vấn đề gì phải dựa trên hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bối cảnh đất nước Việt Nam ngày càng dân chủ, tiến tới công bằng xã hội, do vậy Hiến Pháp cũng cần thay đổi thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn cách mạng. Ông lấy bối cảnh năm 1946 để so sánh với năm 2013 là một sự so sánh khập khiễng, vô nguyên tắc và phi khoa học. Bên cạnh đó, Hiến Pháp năm 1992 và Bản dự thảo Hiến Pháp sửa đổi đã thể hiện rõ quyền công dân được quy định tại Chương V của bản Hiến Pháp 1992 sửa đổi năm 2011. Việc thể hiện quyền lực của nhân dân thông qua Quốc hội và các đại biểu Quốc hội không phải là đi ngược lại chủ nghĩa Mác Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng đúng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Điều 97 bản Hiến Pháp 1992 quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước…” Như vậy, khi đại biểu Quốc hội họp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì cũng chính là nhân dân đang quyết định, vì họ quyết định dựa trên ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đồng ý là người dân Việt Nam cần đóng góp ý kiến của mình cho bản dự thảo Hiến Pháp nhằm góp phần xây dựng đất nước này giàu đẹp hơn. Nhưng xem ra vẫn có những kẻ suốt ngày chỉ biết xuyên tạc, bôi nhọ danh dự của đất nước, ngẫm nghĩ thật đáng cười chê./.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Cờ Tổ quốc tung bay trên biển Hoàng Sa

(Dân trí) - Khi tàu Trung Quốc nã đạn vào tàu cá của ngư dân ta trên biển Hoàng Sa, khiến nóc ca bin bốc cháy dữ dội, thuyền trưởng Bùi Văn Phái đã lao lên quấn cờ Tổ quốc vào lòng với quyết tâm: "Thuyền cháy, nhưng quyết không để cờ cháy".

 
(Thuyền trưởng Bùi Văn Phải Thuyền cháy, nhưng không để cờ cháy)
(Thuyền trưởng Bùi Văn Phải" "Thuyền cháy, nhưng không để cờ cháy")
 
 
Cờ Tổ quốc tung bay trên biển Hoàng Sa
        Kính tặng tàu QNg 96382 và ngư dân trên biển đảo quê hương  

Đó là một ngày như mỗi ngày trên quần đảo Hoàng Sa
Nơi cha ông ta đã bao đời làm chủ
Nơi ngư dân ta từ ngàn xưa vẫn thường đánh cá
Nhưng buổi sáng nay, một buổi sáng không bình yên

Khi các anh kéo lên mẻ lưới cuối cùng
Bỗng lũ sài lang ầm ầm kéo tới
Cậy thế đông người, chúng hung hăng xua đuổi
Tàu các anh ra khỏi biển quê hương

Không khuất phục được các anh, chúng xả đạn điên cuồng
Lửa phần phật cháy trên khoang lái
Bùi Văn Phải lao lên, không một giây ngần ngại
Ôm chặt lá cờ Tổ quốc trong tay.

Chỉ một lát sau cờ Tổ quốc lại tung bay
Kiêu hãnh, hiên ngang trên biển trời Tổ quốc
Tàu dẫu cháy nhưng cờ không được cháy
Bởi lá cờ là Tổ quốc thiêng liêng.

Xin cám ơn các anh, những người con trung kiên
Cột mốc sống giữa đại dương hùng vĩ
Không chỉ là ngư dân, các anh là chiến sĩ
Canh giữ biển trời Tổ quốc phía tiền tiêu./

                                                       Bùi Hoàng Tám
                                                        Ngày 28/3/2013

Những hình ảnh về chủ quyền biển đảo được trưng bày trong ngày lễ Quốc Giỗ 10/3/Quý Tỵ

Ngày 19/4 (tức ngày 10/3 năm Quý Tỵ), tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (quận 9, TPHCM), sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM đã tổ chức long trọng và trang nghiêm ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Trong khuôn khổ lễ giỗ, lãnh đạo địa phương cùng hàng ngàn người dân và du khách gần xa đã dâng hương, dâng hoa, tổ chức tễ tế bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đến các Vua Hùng.

Với ý thức tự tôn dân tộc và thể hiện ý chí bảo vệ, xây dựng tổ quốc của con cháu, ban tổ chức Lễ giỗ đã trưng bày 33 bia đá chủ quyền các đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỗi tấm bia khắc tên, khẳng định chủ quyền một hòn đảo với các thông tin về tọa độ vị trí địa lý. Ban tổ chức cũng triển lãm, giới thiệu 23 bức ảnh của 14 tác giả về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Có 23 bức ảnh về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc được triển lãm trong ngày Quốc giỗ
Có 23 bức ảnh về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc được triển lãm trong ngày Quốc giỗ

33 tấm bia đá khẳng định chủ quyền các đảo lớn nhỏ cũng được trưng bày
33 tấm bia đá khẳng định chủ quyền các đảo lớn nhỏ cũng được trưng bày

Mỗi tấm bia khẳng định tên và tọa độ địa lý một hòn đảo
Mỗi tấm bia khẳng định tên và tọa độ địa lý một hòn đảo

Tác phẩm “Một góc đảo An Bang” thuộc quần đảo Trường Sa của tác giả Nguyễn Thanh Dũng
Tác phẩm “Một góc đảo An Bang” thuộc quần đảo Trường Sa của tác giả Nguyễn Thanh Dũng

 “Trường Sa hôm nay” - tác giả Lê Hùng
 “Trường Sa hôm nay” - tác giả Lê Hùng

 “Trường Sa hôm nay” - tác giả Lê Hùng
Cùng với việc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, triển lãm ảnh và bia đá chủ quyền biển đảo thể hiện tinh thần đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của con dân Việt Nam
Giỗ Tổ Hùng Vương được sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM tổ chức trong 2 ngày 18-19/4. Lễ giỗ diễn ra long trọng với các nghi thức lễ tế cổ truyền đồng thời mở hội võ thuật, đấu vật, trò chơi dân… gian nhằm thể hiện tinh thần thượng võ dân tộc, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Minh Hậu
(Báo dân trí)

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

NAM QUỐC SƠN HÀ: CHÂN LÝ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

“Nam Quốc Sơn Hà” 
- Chân lý chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam 
Lê Phước
 
Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam là một bản trường ca về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần bất khuất và bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền lãnh thổ thiêng thiêng. Một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần đó là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được cho là của danh tướng Lý Thường Kiệt.
Thời điểm ra đời bài thơ
Đây là một bài thơ lịch sử phổ biến nhất ở Việt Nam, phổ biến vì nó thể hiện được chân lý toàn vẹn lãnh thổ bất di bất dịch của dân tộc Việt Nam, dù có nghiên cứu sử hay không, thì người Việt Nam ai mà không biết đến câu : «Sông núi nước nam vua nam ở ». Thế nhưng, đến hiện tại, bài thơ này còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các tài liệu về tác giả, thời điểm ra đời và một số câu chữ trong bài thơ.

Về thời điểm ra đời bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, hiện tại có hai thuyết khác nhau về thời điểm xuất hiện bài thơ, mà có lẽ là dựa chủ yếu vào hai tài liệu sau đây:

Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp thời Trần phần “Truyện hai vị thần Long Nhãn, Như Nguyệt” chép:

“Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đem binh sang xâm lược nam phương. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với nhau. Đại Hành mộng thấy hai thần nhân hiện trên sông nói rằng: “Anh em thần, một tên là Hống, một tên là Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương, cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Về sau Triệu Việt Vương mất nước, Lý Nam Đế triệu hai anh em thần. Bọn thần vì nghĩa không theo được nên uống thuốc độc mà tự tử. Thượng đế thương hai anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng mới phong làm quan tướng trong hàng các thần linh, thống lĩnh quỉ binh. Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc cứu sinh linh […] Đêm sau thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng từ phía nam sông Bình Giang tới, một người dẫn bọn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông như Nguyệt lại, cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc Lỗ lai xâm phạm
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp lên nhau mà chạy, mạnh ai nấy chạy thoát thân, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống vì thế đại bại mà về”.

Trong khi đó, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê thì ghi: “Nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta (người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Sau đó quả nhiên như thế. (Hai anh em Trương tướng quân, anh tên là Khiếu, em tên là Hát, đều là tướng giỏi của Triệt Việt Vương. [Triệu] Việt Vương bị [Hậu] Lý Nam Đế đánh bại mà mất nước. Nam Đế gọi cho làm quan, hai người đều nói: "Tôi trung không thờ kẻ làm vua đã giết hại chủ mình". Rồi ẩn mình trốn ở núi Phù Long, Nam Đế gọi mấy lần không chịu ra, mới hạ lệnh ai chém được thủ cấp hai người thì thưởng nghìn vàng)”.

Như vậy, một thuyết cho rằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” xuất hiện khi vua Lê Đại Hành mang quân cự Tống năm 981, còn theo thuyết còn lại thì bài thơ ra đời khi Lý Thường Kiệt phụng mệnh vua Lý Nhân Tông mang quân chống giặc Tống xâm lăng hồi năm 1076-1077. Thế nhưng, khi đề cập đến bài thơ này đa số sách sử đều cho là gắn liền với trận đánh trên sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt năm 1076-1077. Như sách Việt Sử Tiêu Án của Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ hay Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim đều cho rằng bài thơ xuất hiện vào thời Lý Thường Kiệt.

Dù bài thơ xuất hiện dưới thời Lê hay thời Lý thì đến hiện tại chưa thấy tài liệu nào ghi rằng chính vua Lê Đại Hành hay tướng Lý Thường Kiệt sáng tác bài thơ hoặc đích thân họ đã ngâm bài thơ. Trong cả hai trường hợp các sách đều nói rằng là do ‘”thần nhân” ngâm lên để làm khiếp sợ giặc Tống. Nói về “thần nhân” ngâm bài thơ, thì các sách cũng thống nhất rằng đó là hai thần Trương Hống và Trương Hát. Mà chuyện về hai vị thần này thì còn nhiều điều mờ mịt dù rằng đền thờ hai vị là có thật.

Một bài thơ chống ngoại xâm
Dù là xuất hiện ở thời Lê Đại Hành hay thời Lý Thường Kiệt, thì bối cảnh lịch sử cũng là: đánh đuổi giặc ngoại xâm mà cụ thể ở đây là giặc Tống. Điều đáng chú ý đó là các sách đều ghi nhận là do thần nhân đọc hoặc được vang lên từ trong miếu thần nhân, và mục đích đều là: “đánh đuổi giặc ngoại xâm”, và kết quả đều là: thắng lợi.

Các sách có đề cập đến câu chuyện này đều ghi nhận, khi nghe bài thơ, quân Tống kinh hãi và chạy tán loạn. Vì sao lại sợ hãi đến thế? Trước tiên là vì bài thơ đến từ các thần nhân, trong chuyện Lê Đại Hành thì các thần đích thân ngâm, còn trong chuyện Lý Thường Kiệt thì bài thơ được vang lên từ trong miếu thần. Mà dẫu cho đó là mưu kế Lý Thường Kiệt, thì Lý Thường Kiệt cũng muốn nhờ đến oai thần mà làm khiếp sợ quân xâm lược và Lý Thường Kiệt đã làm được, oai linh của thần nhân đất Việt đã làm khiếp sợ quân thù.

Trong chuyện An Dương Vương mất nước vì để mất nỏ lẩy nỏ thần, sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau: “Chuyện rùa vàng đáng tin chăng? Chuyện thần giáng đất Sần, chuyện đá biết nói cũng có thể là có. Vì việc làm của thần là dựa theo người, thác vào vật mà nói năng. Nước sắp thịnh, thần minh giáng để xem đứa hóa; nước sắp mất, thần cũng giáng để xét tội ác. Cho nên có khi thần giáng mà hưng, cũng có khi thần giáng mà vong. An Dương Vương hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như thế ư?”. Nói như thế thì thần ở đây chính là linh khí của núi sông, là lòng dân vậy, thần làm theo ý muôn dân, nếu dân hộ thì thần hộ. Oai thần ở đây chính là oai linh của núi sông Việt Nam. Giặc Tống kinh hãi oai thần tức là kinh hãi cái chí khí bất khuất của dân tộc Việt Nam vậy.

Vì sao quân Tống phải kinh hãi oai thần? Vì quân Tống đã làm trái đạo lý, mà trái đạo lý tức làm làm thần và người cùng oán vậy. Điều trái đạo lý của quân Tống đó là đã xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng của một quốc gia.

Còn nhiều dị bản về nội dung bài thơ
Trước hết cần khẳng định rằng bài thơ này không có tên, mà cái tên “Nam Quốc Sơn Hà” là do đời sau mượn bốn chữ ở câu thơ đầu và cũng là tinh thần của cả bài thơ để đặt tên cho bài thơ.

Còn về nội dung của bài thơ, thì đến hiện tại cũng có nhiều dị bản. Đến như hai tài liệu chính yếu liên quan đến câu chuyện nêu trên cũng có chỗ khác nhau.

Lĩnh Nam Chích Quái ghi:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc Lỗ lại xâm phạm
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Dịch nghĩa :

Đất nước Nam do Hoàng Đế nước Nam ngự trị
Điều đó đã được ghi rõ trong sách trời.
Nếu như giặc phương Bắc xâm phạm cõi bờ
Thì lưỡi gươm sắt sẽ chém tan như là chẻ tre vậy.
Còn Đại Việt Sử Ký toàn thư nhà hậu Lê chép:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Dịch nghĩa :

Đất nước Nam do Hoàng Đế nước Nam ngự trị
Điều hiển nhiên đó đã được ghi rõ trong sách trời.
Nếu như giặc phương Bắc xâm phạm cõi bờ
Thì sẽ chuốc lấy bại vong.
Bản lưu hành rộng rãi trong hiện tại mà Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim cũng ghi :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Ta thấy có sự khác nhau là “phân định” và “định phận”. Nếu dùng chữ “định phận” thì có vẻ thụ động hơn, tức được trời đặt để. Trong khi đó, chữ “phân định” thì có tinh thần tự chủ hơn, tức cũng do trời sắp đặt, nhưng mà sắp đặt theo chân lý, theo điều hiển nhiên. Và cũng đúng thôi, xã hội Việt Nam từ thế kỷ 15 bắt đầu chịu sự thống trị của Nho Giáo, mà theo Nho Giáo thì trời là "chân thiện mỹ", là đại diện cho sự hoàn hảo, trời luôn làm điều tốt, điều hợp đạo lý cho con người. Hơn nữa, Nho sĩ ai mà không biết câu “nhân định thắng thiên”, tức nếu người quyết tâm cao thì cũng làm lay chuyển được ý trời. Mộc bản triều Nguyễn, di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại và được đưa vào chương trình "Ký ức thế giới” vào ngày 30-7-2009, cũng chép là “phân định”.

Như vậy, dùng chữ “phân định” thì có vẻ hào hùng hơn và hợp lý hơn trong bối cảnh lịch sử là làm khiến sợ quân thù và khẳng định chủ quyền quốc gia như tinh thần mà bài thơ muốn truyền tải.

Trong các bản trên, ta thấy có sự khác biệt giữa “Bắc Lỗ”- giặc phương Bắc và “nghịch lỗ” - giặc nói chung. Như vậy, từ một đối tượng ngoại xâm cụ thể là giặc phương Bắc đã đi đến giặc ngoại xâm nói chung. Điều đó cho thấy lập trường rất rõ ràng của người Việt Nam, là không chỉ giặc phương Bắc, mà bất kỳ kẻ ngoại xâm nào cũng không được phép và không thể xâm lược Việt Nam, nếu xâm lược thì sẽ chuốc lấy bại vong.

Bàn về cách dịch bài thơ, sách giáo khoa ở Việt Nam và nhiều tài liệu khác điều chép bản dịch sau đây :

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.
Bản dịch này dùng từ “vua” trong khi bản gốc là “đế”. Bản chữ Hán của bài thơ là :

南國山河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛
Ta thấy bản gốc là chữ 帝- Hoàng đế, còn vua thì phải là 王 – vương. Hoàng đế là ngôi cao nhất, ngôi có quyền phong cho nhiều người làm Vua, nhưng Vua thì không bao giờ có quyền phong cho ai làm Hoàng đế. Các vua của ta xưa nay để sánh ngang với triều đình phương Bắc đều xưng là hoàng đế. Tuy vậy, Nho Giáo của ta đề cao thuyết “trọng vương khinh bá”, tức chuộng việc cai trị tốt muôn dân trong nước chứ không có dã tâm đi hiếp đáp nước người, nên dân ta có vẻ đồng nhất hoàng đế và vua, như hay gọi vua Đinh Tiên Hoàng, vua Minh Mạng, hay vua Khang Hy, vua Càn Long… trong khi các vị này đều xưng là hoàng đế. Thế nhưng, nếu ở đây mà dịch Đế là Vua thì chưa thể hiện hết niềm tự tôn và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên ta.

Một bài thơ khẳng định chủ quyền quốc gia
Như vậy, dù còn nhiều tranh cãi về thời điểm ra đời, về tác giả và về nội dung bài thơ, nhưng có một thực tế lịch sử đó là bài thơ đã tồn tại từ bấy lâu nay trong sử sách chính thống và trong dân gian, đó là dù Lê Đại Hành hay Lý Thường Kiệt thì hai vị này cũng đã thật sự đánh bại giặc Tống. Và điều quan trọng hơn hết không phải là lạc vào trong các chi tiết huyền sử, mà cần hiểu được bài học mà tổ tiên ta muốn gửi gắm cho thế hệ sau.

Liên quan đến chủ đề này, giáo sư sử học Trịnh Văn Thảo thuộc Đại học Aix-Marseille Cộng Hòa Pháp nhận định:

«Trước tiên tôi xin nhắc lại một bản dịch bài thơ mà tạm gọi là của Lý Thường Kiệt, bản dịch của cụ Nguyễn Đổng Chi :

Nước Nam Việt có vua Nam Việt,
Trên sách trời chia biệt rành rành.
Cớ sao giặc dám hoành hành?
Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi.
Người ta không biết bài thơ này có phải của danh tướng Lý Thường Kiệt hay không, nhưng chúng ta cần phân biệt huyền sử với khoa học lịch sử. Trong bối cảnh tranh chấp quyết liệt giữa người Việt dưới thời Lý và người Trung Quốc dưới thời Tống, thì ta có thể xem bài thơ này là bản tuyên ngôn độc lập tự chủ của người dân Việt Nam. Theo ý tôi, cái ý nghĩa lịch sử nó sâu sắc hơn là sự kiện lịch sử.

Xem lại bài thơ này ta thấy có ba điểm chính. Điểm đầu tiên là nguyên tắc độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam được phát biểu một cách rõ rệt. Thứ hai là nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Và thứ ba là nguyên tắc về bổn phận thiêng liêng của người Việt là phải bảo vệ tổ quốc của họ. Đó là ba ý chính để có thể suy luận rằng đây có thể là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của quốc gia Việt Nam.

Còn trong bối cảnh thời sự ngoại giao của dân tộc Việt Nam hiện nay và những vấn đề ta phải đương đầu, tôi nghĩ thế này, qua bài thơ ta thấy một chân lý lịch sử rõ rệt là : ai đi ngược lại ba nguyên tắc đó sẽ đi đến thất bại. Nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện giờ, ai đi ngược lại chính nghĩa, dựa vào võ lực để xâm lược một xứ nhỏ, đều sẽ thất bại trước lịch sử ».

Tóm lại, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là một lời khẳng định hùng hồn cho một chân lý của tạo hóa là : đất nước Việt Nam là do người Việt Nam làm chủ, đó là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, bất chấp đó là ai, nếu đi ngược lại chân lý của tạo hóa là xâm lược lãnh thổ Việt Nam (hay của bất kỳ một quốc gia nào) thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong. Đây cũng chính là tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã được thực tế lịch sử minh chứng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Blog Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư xin trân trọng đăng lại

Trung Quốc lại giở chiêu "la làng" trên Biển Đông



Theo bài phân tích vừa được Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu đăng tải, Trung Quốc cho rằng Phillippines và Việt Nam đã khiêu khích nước này, khiến Bắc Kinh phải chuyển từ thế bị động sang chủ động.

Các hạm đội hải quân Trung Quốc gần đây đã tiến hành tuần tra Biển Đông, thậm chí tiến xa hơn đến vùng nước này tuyên bố là cực nam của lãnh thổ (bãi đá James, cách bờ biển Malaysia 80 km - PV).
Tháng 3, tàu Trung Quốc cũng hung hãn bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam, lớn tiếng vu khống và lật lọng trong vụ việc. Tất cả những sự việc xảy ra gần đây đều cho thấy quyết tâm bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, Washington cũng bày tỏ mối quan tâm của mình đối với những động thái gần đây của Trung Quốc, đồng thời củng cố quan điểm của mình rằng Mỹ có thể can thiệp vào vấn đề Biển Đông bất cức lúc nào.
Mặc dù ông John Kerry, tân Ngoại trưởng của Mỹ có ít nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm nhưng lập trường của Mỹ về vấn để Biển Đông cơ bản không thay đổi.
Bất hòa Washington và Bắc Kinh
Cũng theo Global Research, đằng sau tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với Phillippines và Việt Nam, mối bất hòa thực chất nằm giữa Washington và Bắc Kinh.
Sau bốn năm bà Hillary Clinton can thiệp vào Biển Đông với biện pháp ngoại giao “mạnh mẽ thông minh” của mình, cùng tranh chấp giữa Manila, Hà Nội và Bắc Kinh, tất cả những mối rủi ro trong khu vực đều đã trở nên rõ ràng. Tất cả các bên liên quan cũng đã hiểu biết rõ hơn về các quốc gia trong tranh chấp lãnh thổ cũng như xác định được phần nào sức mạnh của nhau.
Theo bài viết do Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa xuất bản, Trung Quốc đổ lỗi cho Manila và Hà Nội có những hành động khiêu khích chống lại nước này trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh phải thay đổi chiến lược từ thụ động sang chủ động.
Bắc Kinh lo lắng tranh chấp Biển Đông làm giảm giá trị của môi trường đầu tư, làm ăn xung quanh, từ đó làm giảm những cơ hội chiến lược của nước này. Và đến bây giờ, hầu hết những lo lắng đó đã tan biến.
Trung Quốc thậm chí vỗ ngực tự đắc rằng Manila và Hà Nội sẽ không có bất kỳ cơ hội chiến thắng nào nếu vấn đề Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột về sức mạnh giữa các quốc gia.
Bài viết của Trung tâm này nêu rõ: Trung Quốc còn "điêu ngoa" nói rằng nước này không có ý định phát động một cuộc chiến tranh cũng như lấy lại những hòn đảo do Phillippines và Việt Nam" chiếm đóng". Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ kiên quyết hơn trong việc chống lại những hành động khiêu khích của các nước trong khu vực.
Theo Trung tâm này, Trung Quốc mạnh tay hơn trong vấn đề Biển Đông xuất phát từ sự phát triển ổn định trong nước và Phillippines, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chọn cách đối đầu với Trung Quốc. 
                                                            Theo Phan Yến
                                                     Tiền phong/Globalresearch

TỔ QUỐC ĐÓN ANH VỀ VỚI ĐẤT LIỀN



Tổ quốc đón anh về với đất liền

(Dân trí) - “Tổ quốc đón anh về” của tác giả Phan Vỹ, nguyên là cán bộ cơ yếu Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân (công binh E83) sáng tác vào năm 2008, để kính viếng hương hồn đồng đội trong sự kiện Trường Sa 14/3/1988. Blog xin trân trọng đăng lại


Tổ quốc đón anh về

Tháng ba này chúng tôi đến Trường Sa
Qua Đảo Gạc Ma hai mươi năm về trước
Thả hoa tươi lặng lẽ viếng hương hồn
Trước mặt trời lên! Đồng đội ơi có biết?

Hoa trắng tươi nguyên như lời hẹn ước
Các anh ơi! Thương lắm chỗ anh nằm
Sóng vỗ ngàn năm lặn sâu trong đáy nước
Hương hồn về gọi mẹ biết bao đêm?

Hai mươi năm mẹ và con cách biệt
Trường Sa ơi! Nơi gặp gỡ tình người
Sao vẫn thấy có cái gì còn thiếu
Nơi con nằm trên mảnh đất ông cha

Chúng tôi hiểu giữa Trường Sa sóng vỗ
Nơi anh nằm sâu
Lạnh đáy đại dương
Vẫn hằng mơ có ngày gặp Mẹ
Tổ quốc đón anh về
Ôm trọn tình thương!


Phan Vỹ
 Tháng 4/2008

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU THÂM ĐỘC CỦA TRUNG QUỐC


Cảnh giác âm mưu “mượn gió bẻ măng” của Trung Quốc trên biển Đông

Trong khi mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng leo thang đến bờ vực chiến tranh thì Trung Quốc chỉ cất tiếng nói cho có lệ, song song với đó là sự tăng cường các hoạt động quân sự trên biển Đông. Vậy giữa hai vấn đề này có sự liên quan gì với nhau?

Mưu đồ của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên
Trước đây, Trung Quốc có ảnh hưởng quyết định đến đường lối của Triều Tiên, nhưng hiện nay vai trò đó đã có phần giảm sút. Nguyên nhân thứ nhất là do hiện nay Triều Tiên đã “đủ lông, đủ cánh”, nguyên nhân thứ 2 là Bình Nhưỡng có phần bất mãn vì Bắc Kinh kiềm chế họ trong phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nguyên nhân thứ 3 là thái độ không rõ ràng của Bắc Kinh trong giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Trong 2 năm qua, Triều Tiên đã hoàn tất phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và thử thành công vũ khí hạt nhân. Trong 2 thành quả vĩ đại đó, không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh còn năm lần bảy lượt ngăn cản, nếu Triều Tiên không cương quyết thì chắc không có thành công ngày hôm nay.
Triều Tiên nằm giữa vòng vây của Mỹ - Nhật - Hàn, nếu họ không có thực lực quân sự mạnh thì chắc đã lụn bại từ lâu rồi. Việc Bình Nhưỡng coi nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân là yếu tố bắt buộc, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Vì vậy, sự ngăn cản của “người anh em” đã làm họ không hài lòng, tất yếu sẽ dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ 2 nước.
Về phần Trung Quốc, sự giúp đỡ Triều Tiên cũng không hẳn xuất phát từ "tình cảm hữu nghị", mà Bắc Kinh cũng nhắm đến nhiều mục đích khi giúp đỡ Bình Nhưỡng.
Thứ nhất là mượn tay Triều Tiên để chèn ép Hàn Quốc và Nhật Bản, 2 đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo. Xung đột với đối thủ láng giềng sẽ làm 2 nước này vướng vào vòng lẩn quẩn, không thể rảnh tay đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đảo Ieodo hiện lần lượt thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thứ 2 là thúc đẩy xung đột trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng, kìm chân Mỹ ở khu vực này không để Mỹ rảnh tay để đối phó với Trung Quốc. Chính vì vậy mặc dù cũng bày tỏ thái độ nhưng họ cũng chỉ ngăn cản lấy lệ, khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân và đưa ra các quyết định cứng rắn khiến mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên lên cao, để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Xét về thực chất, Trung Quốc cũng không hề muốn chiến tranh nổ ra mà họ chỉ muốn sự việc giằng dai càng lâu càng tốt. Sự gia tăng căng thẳng là đúng ý, nhưng nếu chiến tranh nổ ra thì thực sự là ngoài ý muốn và Bắc Kinh cũng không thể kiểm soát được, bởi thực chất giờ họ không còn tiếng nói quan trọng trong các quyết định chiến lược của Bình Nhưỡng.
Ý kiến cho rằng Trung Quốc không muốn tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, vì sợ Mỹ mượn cớ để dịch chuyển lực lượng, tăng cường vũ khí đến gần Trung Quốc có thể là những luận điểm sai lầm. Điều này dẫn đến đánh giá sai tình hình là Trung Quốc đang tập trung lo lắng cho đồng minh Triều Tiên và chủ quan, mất cảnh giác với những âm mưu của Trung Quốc.
Về thực chất, Washington có tập trung được vũ khí, trang bị đến phía đông Trung Quốc cũng chẳng làm Bắc Kinh lo ngại, vì chắc chắn nó không ảnh hưởng gì lớn, thậm chí là còn đúng ý họ. Trong khi Mỹ mải mê thực hiện chiến lược vây ép của mình đối với Triều Tiên, thì Trung Quốc có thể rảnh rang thực hiện chiến lược bành trướng của mình trên biển Đông.
Âm mưu “mượn gió bẻ măng” của Trung Quốc?
Thực tiễn đã chứng tỏ, từ khi căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã liên tiếp gia tăng những động thái mạnh mẽ hơn trên biển Đông, khởi đầu bằng quyết định sáp nhập toàn bộ lực lượng chấp pháp biển bao gồm: Hải quan (Tổng cục Hải quan), Hải cảnh (Cảnh sát biển - thuộc Bộ Công an), Hải tuần (Cảnh sát trị an trên biển thuộc Cục Hải sự - Bộ Giao thông vận tải), Hải giám (Giám sát biển thuộc Cục Hải dương quốc gia thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên) và Ngư chính (Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp), cải tổ Cục Hải dương quốc gia thành Cục Cảnh sát biển chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Bộ Công an Trung Quốc.
Cũng trong tháng 3, Trung Quốc còn có hàng loạt hành động ngày càng nguy hiểm hơn, điển hình như: Chuẩn bị vũ trang cho lực lượng ngư dân đông tới 100.000 người, bắn cháy Cabin tàu cá QNg-96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi - Việt Nam ngày 20/03 và tổ chức diễn tập đổ bộ lên bãi cạn James (James Shoal), cách thềm lục địa Malaysia 80km vào ngày 25-26/03.
Tiếp đó, vào đầu tháng 4, Trung Quốc đã quyết định cử lực lượng cắm chốt tại bãi cạn Scabrough, ngày 09/04 chính thức phát sóng đài phát thanh “Tiếng nói Nam Hải” (Tiếng nói biển Đông) và quyết định mở tuyến du lịch ra Hoàng Sa bắt đầu từ ngày 01/05, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Philippines.
Song song với đó là gần chục cuộc diễn tập lớn nhỏ với mục đích luyện tập đánh chiếm đảo quy mô lớn trên biển Đông, với sự tham gia của các tàu chiến, tàu đổ bộ cỡ lớn lớp 071 có lượng giãn nước 2 vạn tấn và cả 2 lữ hải quân đánh bộ là lữ 1 và lữ 164, đều đóng quân ở Thành phố Trạm Giang - nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh Hạm đội Nam Hải.
Nếu đặt các động thái của Trung Quốc vào bức tranh tổng thể trên biển Đông người ta mới giật mình, Hoàng Sa chính là điểm cực Bắc, bãi cạn Scabrough là vành đai phía Đông, bãi cạn James (James Shoal) là điểm cực Nam còn 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc gọi thầu quốc tế năm 2012 chính là vành đai phía Tây của “Đường lưỡi bò” phi pháp. Rõ ràng là Trung Quốc đang có âm mưu đặt những “tọa độ’ cụ thể nhằm hợp thức hóa “Đường lưỡi bò” vu vơ đó.
Nếu liên hệ những tình tiết này với mức độ leo thang tình hình trên bán đảo Triều Tiên thì rõ ràng nó không phải là tình cờ. Trung Quốc có thể nhân cơ hội này sử dụng chiến lược “Tiên chiến hậu đàm”, đặt tất cả trước tình trạng “sự đã rồi”, đánh chiếm một vài đảo và bãi đá ở những vị trí chiến lược ở khu vực biển Đông, sau đó tiến hành đàm phán trên thế mạnh với các nước Đông Nam Á.
Lúc này, thực chất cả Mỹ, Hàn - Triều đều trở thành những quân cờ trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Họ ra sức đấu đá nhau đến sứt đầu mẻ trán trong khi “ngư ông” Trung Quốc sẽ thừa cơ “thủ lợi”. Phải chăng ngày chiến sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc cũng sẽ có những động thái quân sự trên biển Đông?
Nếu Bắc Kinh nhân cơ hội cộng đồng quốc tế đang tập trung vào tháo gỡ nút thắt trên bán đảo Triều Tiên, để âm thầm thôn tính biển Đông thì các nước nhỏ yếu ở khu vực này khó có thể lật ngược thế cờ, tái chiếm đảo thì không đủ lực, có đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế cũng chẳng lấy lại được lãnh thổ đã mất, vì Trung Quốc có đếm xỉa gì đến dư luận quốc tế đâu?
Vì vậy, trong thời điểm nhạy cảm này, các nước trên biển Đông không được lơ là, mất cảnh giác, cần chú ý theo dõi sát các động thái của hải quân Trung Quốc, chuẩn bị các phương án và sẵn sàng chiến đấu để đề phòng âm mưu “mượn gió bẻ măng”. Còn Mỹ, Hàn - Triều cũng nên xuống thang là vừa, nếu không muốn trở thành “con tốt thí” trong ván bài biển Đông của Trung Quốc.
Theo Nguyễn Ngọc
An ninh thủ đô